Tôi chỉ muốn viết ngắn thôi, vì thời sự - tin nóng, các vấn đề về nhân sinh, xã hội không phải sở trường của mình.
Nhưng không phải sở trường thì không có nghĩa là không có quyền nói. Trên mạng người ta nói đầy ra đấy thôi, mà ối kẻ còn chẳng biết gì, chẳng sờ tận tai, chẳng day tận trán, toàn đồn đoán suông.
Mà rất đau lòng, đó là cái đồn đoán và hả hê tàn nhẫn.
Trong lúc bão lũ hoành hành ở miền Trung, Hà Nội mở hội ăn mừng, âu cũng là khập khiễng. Thật là đáng trách móc, đáng lên án, đáng giận hờn, đáng… tức tối vì bao nhiêu tiền của của dân đi tong theo những bữa tiệc linh đình, những xa hoa phù phiếm. Và vẫn còn nhiều người phải ngồi trên nóc nhà chờ trực thăng tới cứu, quả là thương tâm.
Nhưng thương chỗ này, rồi ghét chỗ khác thì đúng là ấu trĩ. Ngay khi tin đồn hành lang về vụ nổ 3 container pháo hoa được “bung” trên mạng, rồi lại bị gỡ xuống, nhưng đã lan truyền khắp các diễn đàn, mạng xã hội…, nhiều bạn trẻ đã thốt lên “cho chúng mày chết!”
Thánh thần thiên địa ơi, chúng mày là ai? Ai chết? Ai thiệt mạng? Nhà ai xung quanh đấy cháy, nhà ai xung quanh đấy sập? Phải chăng người miền Trung mới là con người, còn người Hà Nội, những người làm việc ở đó, những người sống gần đó, những người “trót dại” lảng vảng quanh đó lúc pháo nổ, chẳng phải con người?
Hay cũng là con người, mà ai bảo chúng mày ăn tiệc trong lúc đồng bào miền Trung bão lũ, nên chúng mày chết là đáng, có phải không?
Nhiều bạn trẻ còn phán, “Thấy chưa, tui đoán trúng phóc, đại lễ thế nào cũng có chuyện”, hay đau lòng hơn là “vậy là điều ước đại lễ xảy ra sự cố của tui đã thành sự thật”. Ôi, nồng nhiệt quá, mừng vui quá, sung sướng quá, vì ước mơ phá tan sinh nhật 1000 tuổi cụ Thủ đô của các bạn đã thành hiện thực, cầm theo gần 10 triệu USD tan theo mây khói, và 3,4 mạng người vô tội khác chết theo làn khói ấy. Nói tâm linh một chút, là nhờ ý chí của những người “ghét Hà Nội” đã cầu nguyện đấy.
Sẵn đã nói, nên lật lại vụ “đuổi mưa đuổi bão”, từ sau chuyện dị nhân tuyên bố chắc nịch đuổi được mưa, cứ gặp 10 người là tui thấy khoảng 5 người lên giọng, bảo “vái cho trời mưa thật to, cho lão già kia hết lên mặt”.
Có cần thiết vậy hông? Vì một con người mà đâm ra ghét cả Thăng Long, vì một lễ hội linh đình mà chúng ta không đồng ý, chúng ta lại cảm thấy hả hê trước sự chết chóc của những người vô tội và sự tiêu tốn tiền của vì tai nạn.
Người ta bảo, đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại. Xỉa xói vào nỗi đau và lỗi lầm của người khác có thể làm bạn hả dạ, lầm bầm trong bụng “cho chúng mày chết” có thể làm bạn hả hê hơn vì đã “đòi lại được công bằng cho nhân dân miền Trung”, nhưng xét về tình lẫn về lý, sự suy diễn cực đoan và thái độ trả thù hằn học đó chỉ là bằng chứng cho sự vô học, ấu trĩ và tầm nhìn tủn mủn.
Đau lòng thay, đó lại là xu hướng của hầu hết giới trẻ hiện nay.Dân cư trên mạng còn đồn đoán, nhà văn Trần Nhương, sau khi có thư gửi Chủ tịch TP HN, yêu cầu cắt giảm số điểm bắn pháo hoa tại HN và công khai chi phí với dân, đã bị gọi lên “làm rõ vụ việc” sau khi 3 container pháo hoa bị nổ. Quả là chuyện hài hước.
Không biết “vụ việc đã làm rõ” tới đâu, nhưng có vẻ như NV Trần Nhương vẫn bình an vô sự và cập nhật tin tức đêu đều trên website cá nhân. Những người rao tin đồn, có vẻ càng ngày càng nhanh tay lẹ mắt.
Mà hầu hết bọn họ, lại một lần nữa đau lòng thay, đều là người trẻ.
Có ối kẻ ăn không ngồi rồi, tối ngày chỉ chực chờ trên mạng xem tin nóng sốt, thấy có gì gay cấn thì lại nhảy xổ vào, chỉ thẳng vào mặt người khác và bảo “đấy, thấy chưa, tao nói mà, tao nói có sai đâu”, rồi làm ra vẻ hả hê, sung sướng lắm vì mình đang bảo vệ cho chính nghĩa.
Không biết chính nghĩa kiểu gì, kiểu Robinhood cướp của giàu chia cho dân nghèo hay chính nghĩa kiểu trẻ con, chỉ biết sướng râm rơn cái bụng của mình là chính.
Đau lòng, đau lòng quá! Có cách nào nghĩ khác hơn về những chuyện này không? Có cách nào “đồng cảm và thương tâm” với vụ nổ pháo hoa mà không xỉa xói, hả hê trong bụng không? Sao con người ta cứ thích làm đau lòng nhau, dù chẳng ai muốn bản thân mình bị tổn thương cả?
Tại sao…?